Tai nạn giao thông là vấn đề nhức nhối của toàn xã hội, an toàn giao thông là mục tiêu chung của mọi người. Đặc biệt với những em học sinh, tương lai của đất nước, điều đó càng quan trọng hơn bao giờ hết.
Đã từ lâu, an toàn giao thông luôn là vấn đề nhức nhối của toàn xã hội. Những năm gần đây, số tai nạn giao thông xảy ra ở nước ta ngày càng nhiều. Số người chết vì tai nạn giao thông theo từng giờ, từng ngày đã lên đến mức báo động.
Vậy chúng ta, nhất là những người trẻ, có suy nghĩ và hành động như thế nào để góp phần làm giảm thiểu tai nạn giao thông?
Trước hết, ta cần hiểu tai nạn giao thông là như thế nào? Khi tham gia giao thông trên đường, bất ngờ ta bị tai nạn do nguyên nhân chủ quan hoặc khách quan. Nhẹ thì chỉ thiệt hại về tài sản, nặng thì để lại thương tật suốt đời hoặc thậm chí là mất cả tính mạng, để lại biết bao đau thương, tiếc nuối cho những người thân. Từ khi con người sáng chế ra những phuơng tiện để di chuyển thì cũng đồng nghĩa với việc xuất hiện tai nạn giao thông, dù là ở nhiều hình thức khác nhau. Vì đâu mà tai nạn giao thông lại xảy ra một cách quá phổ biến? Có nhiều lý do để giải thích, như đã nói ở trên là do khách quan và chủ quan mà nguyên nhân chủ quan lại chiếm đa số.
Nguyên nhân đầu tiên là do sự thiếu hiểu biết. Số đông dân chúng còn có quan niệm rằng tai nạn nói chung và tai nạn giao thông nói riêng là do số mệnh con người quyết định. Họ không thấy rằng phần lớn tai nạn giao thông là có thể phòng tránh được. Thứ hai là có hiểu biết về luật giao thông nhưng do ý thức kém nên đã không chấp hành: uống rượu bia vượt quá nồng độ cho phép khi lái xe, không đội mũ bảo hiểm ở phần đường bắt buộc phải đội mũ bảo hiểm, chở trên ba người phóng nhanh vượt ẩu… Đây cũng là nguyên nhân phổ biến nhất, làm đau đầu các nhà quản lí. Một phần nữa vì không có biện pháp kiểm soát, bắt nóng ngay khi phạm luật nên mọi người cứ vô tư phạm luật khi không thấy có cảnh sát giao thông. Xét về nguyên nhân khách quan, cơ sở hạ tầng của rất nhiều tuyến đường kém chất lượng đã gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng cho người tham gia giao thông.
Tất cả những nguyên nhân gây ra tai nạn đều bắt nguồn từ ý thức của người dân. Nếu như họ biết quý bản thân mình, biết tuân thủ luật lệ giao thông, biết nghĩ đến sự an toàn cho người lưu thông thì sẽ chẳng có những điều thương tâm và đáng tiếc. Hồi chuông cảnh báo luôn rung lên, nhắc nhở mọi người hãy biết chấp hành giao thông, vì sự an toàn của bản thân và xã hội. Để góp phần giảm thiểu tai nạn giao thông thì mọi người đều phải chấp hành nghiêm luật giao thông, đi đúng tốc độ, đúng phần đường, không điều khiển xe khi đã uống rượu bia, đi trên đường không nên ganh đua với người khác…
Riêng về phần học sinh chúng ta, ngay bây giờ, khi còn ngồi trên ghế nhà trường, hãy tích cực tham gia các hoạt động thiết thực do Liên đội và nhà trường tổ chức để tuyên truyền luật giao thông cho mọi người và gia đình, chấp hành nghiêm luật giao thông, đội mũ bảo hiểm khi đi trên xe gắn máy, xe đạp điện, đặc biệt là sau khi các bạn đã kí cam kết thực hiện an toàn giao thông. Không phải thực hiện theo cách đối phó mà hãy thực hiện vì chính sự an toàn của bản thân mình. Ở trường ta, đa số các bạn học sinh thực hiện tốt luật an toàn giao thông đường bộ, tuy nhiên còn một số bộ phận không nhỏ các bạn học còn chưa thực hiện tốt, thiếu ý thức, thiếu văn hóa giao thông như khi tan học còn tụ tập trước khu vực cổng trường gây ùn tắc giao thông, đi xe đạp điện không đội mũ bảo hiểm, đội mũ không cài quai, đi dàn hàng ngang trên đường.
Vậy học sinh chúng ta phải làm gì trước vấn nạn này? Ngay từ bây giờ, chúng ta phải góp phấn vào việc giảm thiểu tai nạn giao thông bằng các kĩ năng đơn giản sau:
1. Đối với học sinh đi bộ đến trường:
Đi đúng phần đường quy định dành cho người đi bộ, phải đi trên vỉa hè, lề đường hoặc sát mép đường, khi sang đường phải quan sát kỹ các xe đang đi tới và chỉ qua đường khi bảo đảm an toàn khi qua đường.
Đối với việc đi ở đường làng, ngõ xóm các em cần phải đi vào lề đường bên phải, chọn phần đường khô ráo để đi. Khi trời mưa to tuyệt đối các em không được đi một mình, tránh lội qua suối, khu vực ngập nước. Hạn chế tối da việc đi lại khi trời đang mưa to.
2. Đối với học sinh đi xe đạp đến trường:
Các em phải tuân thủ theo đúng luật giao thông, đúng quy định dành cho người đi xe đạp khi tham gia giao thông: Đi đúng phần đường được quy định, đi về phía bên tay phải không được đi hàng ngang, không đánh võng, không được cười đùa, không được buông thả cả 2 tay khi đang điều khiển xe. Không được đèo quá 1 người tức là chỉ được đi tối đa 2 người trên 01 xe đạp.
Khi đến các con đường có dốc cao, hiểm trở không được ngồi trên xe để lên dốc hoặc lao xuống dốc mà phải xuống xe dắt bộ cho tới hết đoạn dốc mới được lên xe tiếp tục đi.
3. Đối với học sinh được bố, mẹ đưa đến trường bằng xe máy:
Phải thực hiện đúng luật giao thông dành cho người đi xe máy: Khi các em tham gia thông bằng xe máy được bố, mẹ đưa đến trường thì người điều khiển xe và người ngồi sau xe phải đội mũ bảo hiểm có cài quai đúng quy cách, và bố, mẹ nên trang bị cho mình và cho con mình bằng cách mua loại mũ bảo hiểm đạt chuẩn để đảm bảo tính mạng cho mình và con em mình.
Khi tham gia giao thông đi đúng làn đường quy định dành cho xe máy, không lấn át sang phần đường dành cho ô tô như vậy rất nguy hiểm và cũng không nên đi vào phần đường dành cho người đi bộ tránh gây ảnh hưởng cho người đi bộ.
Nên đi với tốc độ bình thường 40km/giờ, không phóng nhanh, vượt ẩu, đánh võng, luồn lách.
Khi đi ra đường thành phố gặp đèn giao thông nên thực hiện đúng luật, đèn xanh báo hiệu được đi, đèn vàng báo hiệu đi chậm và đèn đỏ báo hiệu phải dừng lại, không được đi đường ngược chiều, vượt dải phân cách, đi đúng theo vạch chỉ dẫn.
Trên đây là bài viết tuyên truyền và các kĩ năng khi tham gia giao thông gửi tới các em. Để đảm bảo tính mạng cho con em mình cũng như việc học tập của các em học sinh và công việc của các bậc cha, mẹ học sinh để thực hiện đúng luật giao thông, nhà trường kính mong các bậc phụ huynh học sinh cùng phối hợp với nhà trường và cùng nhau thực hiện tốt ATGT khi tham gia giao thông.