Kỳ nghỉ hè sắp đến nhiều gia đình, cơ quan, đoàn thể tổ chức chương trình cho các trẻ nhỏ đi nghỉ mát, tắm biển. Khắp nơi nhiều trẻ em tạo thành những nhóm nhỏ, rủ nhau đi tắm mát ở sông, suối, ao, hồ... do đó nguy cơ xảy ra tai nạn đuối nước là rất cao. Việc nâng cao kĩ năng phòng tránh đuối nước cho trẻ nhỏ được xem là một công tác tuyên truyền vô cùng quan trọng và cần thiết.
1. Nguyên Nhân Dẫn Đến Đuối Nước.
Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tại nạn đuối nước ở trẻ nhỏ, trong đó:
- Nguyên nhân phổ biến nhất là do thiếu sự giám sát của người lớn, chủ quan của bố mẹ để trẻ tự do vui chơi tại những khu vực nguy hiểm như sông, suối, ao, hồ,...
- Đuối nước do môi trường sống quanh trẻ không an toàn. Nhiều gia đình sống gần nơi có sông, ao, hồ, không có hàng rào chắn hoặc biển cấm nguy hiểm. Trẻ em sinh sống ở khu vực hay có bão lũ, thường di chuyển đi lại bằng ghe, thuyền nhưng không mang phao cứu sinh hoặc được người lớn đưa đi kèm.
- Tai nạn đuối nước cũng một phần do trẻ nhỏ không biết bơi, chưa được dạy kĩ năng đảm bảo an toàn và xử lí tình huống đi bơi, không có kĩ năng cứu đuối nước.
- Ngoài ra, phải kể đến thực trạng: các em cứu lẫn nhau, nhưng do chưa có kiến thức trong việc cấp cứu, sơ cứu người bị đuối nước nên số lượng trẻ em đuối nước ngày càng tăng cao.
2. Kỹ Năng Cấp Cứu
* Cấp Cứu Ở Dưới Nước:
- Đối với người không biết bơi: Tuyệt đối không được nhảy xuống nước cứu trẻ nhỏ. Vì lúc này,trẻ đang trong tình trạng hoảng loạn dễ níu chặt lấy bất kì đồ vật gì gần tầm với, kể cả người cứu nạn. Khi cấp cứu trẻ ngay dưới nước cần phải nâng đầu trẻ nhô lên khỏi mặt nước, có động tác để giúp trấn tĩnh và thở lại.
- Đối với người biết bơi: Túm gáy hoặc nắm kéo đầu trẻ nhô lên khỏi mặt nước, tát thật mạnh vài cái vào má trẻ để gây phản xạ hồi tỉnh và thở lại. Nhanh chóng quàng tay qua nách, nâng gáy hoặc gọi thêm người hỗ trợ đưa trẻ vào bờ.
Khi đưa trẻ lên bờ hay lên thuyền cần tiến hành cấp cứu: hô hấp nhân tạo, hà hơi thổi ngạt ngay.
Khai thông đường hô hấp bằng cách đặt trẻ nằm ưỡn, cổ nghiêng sang một bên, dùng gạc hay khăn vải giúp đưa các dị vật ra khỏi đường thở và miệng; dùng hai ngón tay cái và trỏ bịt mũi trẻ rồi thổi hơi trực tiếp vào miệng trẻ.
Nếu thấy ngừng tim phải ép tim ngoài lồng ngực. Đặt tay lên vùng giữa ngực, đặt 1 tay lên bàn tay kia, ấn xuống 30 lần, tiếp tục hà hơi thổi ngạt 2 hơi liên tiếp và ấn tay 30 lần. Nếu có hai người cấp cứu thì một người thổi ngạt, một người éo tim ngoài lồng ngực, làm kiên trì cho đến khi tim đập lại và thở trở lại. Khi trẻ tỉnh lại, cần để trẻ ở tư thế an toàn, kê gối dưới hai vai, nới rộng quần áo. Nếu chưa tỉnh lại, cần chuyển trẻ đến cơ sở y tế đầy đủ thiết bị cấp cứu và gần nhất.
* Một Số Lưu Ý Khi Cấp Cứu Tại Chỗ:
- Cấp cứu tại chỗ là quan trọng nhất, quyết định sự sống còn của nạn nhân, nếu xử trí chậm nạn nhân bị thiếu ôxy não rất khó cứu sống sau đó. Khi gặp trẻ đuối nước người ta thường vác dốc ngược trẻ trên vai, động tác dốc ngược nạn nhân chỉ có tác dụng khai thông vùng họng và miệng, vì vậy không nên thực hiện ở người lớn và không nên làm quá 1 phút ở trẻ em.
- Nếu sơ cứu có kết quả, nạn nhân thở lại, cử động giãy giụa, hay nạn nhân vẫn còn mê nhung đã có mạch và nhịp thở thì gọi xe cấp cứu hay dùng mọi phương tiện sẵn có chuyển nạn nhân đến cơ sở y tế có trang bị hồi sức cấp cứu. Quá trình vận chuyển vẫn phải tiếp tục cấp cứu và đắp giữ ấm cho nạn nhân.
- Điều trị tại bệnh viện: chống suy hô hấp; chống tình trạng hạ thân nhiệt, co thắt phế quản, loạn nhịp tim, tụt huyết áp. Bồi phụ nước điện giải điều chỉnh thăng bằng kiềm toan. Cảnh giác phát hiện phù phổi cấp, hội chứng suy hô hấp cấp tiến triển nên cần chụp phổi ngay và tiếp tục theo dõi tình trạng suy hô hấp, trụy mạch.
3. Biện Pháp Phòng Chống Tai Nạn Đuối Nước.
- Đối với trẻ em thành phố, cần trang bị cho trẻ các chương trình trải nghiệm, ngoại khóa rèn luyện kỹ năng bơi lội, các kỹ năng cần thiết khi gặp đuối nước và cách cấp cứu những người bị đuối nước. Nên cho trẻ tập bơisớm ( trên 4 tuổi ). Các khu vực như bể nước, cống rãnh, miệng giếng... phải có nắp, hàng rào cảnh báo nguy hiểm.
- Với vùng thiên tai lũ lụt, trẻ em đi học bắt buộc phải có phao cứu sinh hoặc có người lớn đưa đi kèm và học các kĩ năng phòng chống đuối nước, kĩ năng bơi lội. Người lớn di chuyển đi lại bằng ghe, thuyền cần sơ tán theo hướng dẫn của chính quyền địa phương trước khi lũ lụt xảy ra.
- Trẻ em tắm biển, tắm sông nên mặc áo phao và phải có cha mẹ, người lớn trông coi. Những nơi thường xảy ra tai nạn, cần phải thành lập đội cứu hộ và các phương tiện cần thiết để cấp cứu. Đặt các biển báo nguy hiểm tại các bãi tắm biển, tắm sông. Khi đi du lịch ở các vùng sông nước các bậc phụ huynh cần chuẩn bị các phao cứu sinh để lường trước những tình huống xấu nhất có thể xảy ra.