Kính thưa quý thầy cô cùng các bạn học sinh thân mến!
Việt Nam là một đất nước đa dân tộc, trong đại gia đình Việt Nam hiện có 54 dân tộc anh anh cùng chung sống. Mỗi dân tộc lại có phong tục tập quán sinh hoạt riêng của mình. Vì thế đã góp phần tô điểm cho vườn hoa tươi thắm sắc màu đón xuân cho tổ quốc thêm đa dạng và rực rỡ sắc màu.
Nhân dịp đón xuân mới, đón mùa của lễ hội trong năm, nhằm giúp các bạn hiểu thêm về nét văn hóa truyền thống của người Việt cũng như những sắc thái văn hóa của các vùng miền khác nhau trên đất nước, thư viện trường TH Lệ Chi xin trân trọng giới thiệu tới bạn đọc cuốn sách “ Lễ hội mùa xuân” do tác giả Nguyễn Trọng Báu biên soạn.
Cuốn sách dày 75 trang, in trên khổ 13x19cm được nhà xuất bản Kim Đồng xuất bản năm 2007. Chỉ với 75 trang sách nhưng cuốn “Lễ hội mùa xuân” đã giúp chúng ta một cái nhìn thu nhỏ về đặc trưng văn hóa của một số dân tộc trên đất nước ta, giúp bạn đọc không chỉ hiểu biết về dân tộc đó, mà còn thêm yêu mến các dân tộc anh em cùng chung sống trong đại gia đình Việt Nam.
Lễ cúng ông Công ông Táo là một trong những lễ cúng quan trọng trong dịp trước Tết Nguyên Đán. Tuy nhiên, hiện nay, vẫn có nhiều người còn chưa hiểu rõ về nguồn gốc cũng như ý nghĩa của phong tục lâu đời này. Theo sự tích dân gian Việt Nam, hằng năm, vào ngày 23 tháng Chạp, Táo Quân sẽ cưỡi cá chép bay về trời để trình báo mọi việc lớn nhỏ xảy ra trong gia đình với Ngọc Hoàng. Cho đến đêm Giao thừa, Táo Quân sẽ quay về hạ giới để tiếp tục công việc trông coi bếp lửa của các gia đình. Tiếp đến là Lễ hội Đền Hùng kỷ niệm ngày Giỗ tổ Hùng Vương trở thành ngày lễ lớn của dân tộc Việt Nam, để tưởng nhớ công ơn các vị vua Hùng đã có công dựng nước và giữ nước. Lễ hội được tổ chức hằng năm vào ngày 10/3 âm lịch tại Đền Hùng – Việt Trì – Phú Thọ. Chúng ta lại tiếp tục khám phá lễ hội của dân tộc Chăm, thuộc tỉnh Ninh Thuận. Lễ hội Katê (còn gọi là lễ tưởng niệm đấng cha) diễn ra tại tháp Pôklông Garai (Ninh Thuận), hoặc các tháp Chàm khác vào ngày 1-7 âm lịch (khoảng từ 25-9 đến 5-10 Dương lịch) hằng năm. Lễ hội tưởng niệm các vị anh hùng dân tộc, tổ tiên, ông bà cùng các vị thần linh và vua Pôklông Garai, vua Prôme. Trong những ngày lễ, người dân các vùng lân cận tụ tập lại gần tháp làm lễ. Các thầy cúng làm lễ cúng tế ở ngoài sân rồi chuyển vào trong đền. Thầy cúng và các bà bóng tắm rửa và thay áo cho vua Pô-klong. Lễ hội chùa Hương hay Trẩy hội chùa Hương là một lễ hội của Việt Nam, nằm ở Mỹ Đức-Hà Nội. Trong khu thắng cảnh Hương Sơn, được xem hành trình về một miền đất Phật - nơi Quan Thế Âm Bồ Tát ứng hiện tu hành. Đây là một lễ hội lớn về số lượng các phật tử tham gia hành hương. Lễ hội này kéo dài từ ngày mùng 6 tháng giêng đến hết tháng 3 âm lịch.Và cô cùng các con khám phá lễ hội ở gò Đống Đa, thuộc quận Đống Đa- Hà Nội. Lễ hội diễn ra vào ngày mùng 5 tết âm lịch hàng năm. Đây là lễ hội được tổ chức nhằm ăn mừng chiến thắng và tưởng nhớ công lao to lớn của vua Quang Trung.
Lễ hội diễn ra với các hoạt động như: hội trống, chuông báo hiệu cuộc rước thần chiến thắng tượng trưng cho khí thế quân Tây Sơn năm ấy. Tham gia cuộc rước có thanh niên các làng: Khương Thương, Thịnh Hào… ăn mặc theo lễ phục hội, đi sau là cờ, biểu, lộng kiệu… và cuối đoàn rước là hình tượng “con rồng lửa” kết bằng rơm. Chùa Đống Quang đối diện với gò Đống Đa. Là nơi diễn ra lễ cầu siêu, dâng hương tưởng nhớ công ơn của những anh hùng, nghĩa sĩ đã hết lòng vì dân, vì nước. Sau phần nghi lễ là các trò chơi dân gian vui khỏe, đua tài, đua trí như: Múa rồng, múa lân, đấu vật, chơi cờ, chọi gà…
Hy vọng cuốn sách Lễ hội mùa xuân này sẽ giúp các thầy cô giáo và các bạn học sinh hiểu rõ hơn về phong tục tập quán và lễ hội truyền thống của Việt Nam để từ đó chúng ta sẽ góp phần giữ gìn và phát huy nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc.
Cuối cùng xin chúc quý thầy cô và các bạn năm mới vui vẻ, hạnh phúc. Hẹn gặp lại các bạn trong buổi giới thiệu sách lần sau.