Hôm nay cô rất vui được gặp lại các con trong buổi giới thiệu sách của trương ta. Cô xin giới thiệu với các con cuốn sách Tôi kể em nghe chuyện Trường Sa tác giả Nguyễn Xuân Thuỷ. Cuốn sách dày 90 trang do nhà xuất bản Kim Đồng ấn hành, khổ sách 21cm, cuốn sách được xuất bản năm 2016.
Quần đảo Trường Sa của đất nước chúng ta ở rất xa đất liền, là miền biển đảo đầy giông bão, nơi mà không phải ai cũng có thể đặt chân tới được, Chưa đặt chân đến Trường Sa . nhưng vẫn nghĩ về Trường Sa, hẳn trong tiềm thức của mỗi chúng ta hôm nay đã có một Trường Sa sống động qua những bài học những buổi chào cờ ,những hội thi Em yêu Biển Đảo quê hương và đặc biệt là những câu chuyện kể, những cuốn sách mà chúng ta đọc được. “Tôi kể em nghe chuyện Trường Sa" cuốn sách của Thượng úy Nguyễn Xuân Thủy được NXB Kim Đồng xuất bản đạt giải vàng tại Lễ trao giải thưởng sách Việt Nam lần thứ 8 năm 2012 do Hội Xuất bản Việt Nam tổ chức ngày 23-12 nhằm tôn vinh những tác phẩm hay, tác giả tâm huyết.
Nhà văn Nguyễn Xuân Thủy -một nhà văn trẻ đang công tác ở Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam người đã mang Trường Sa về với chúng ta bằng những trang sách “Tôi kể em nghe chuyện Trường Sa “giúp ta hình dung về Trường Sa ở xa tít ngoài biển, là nơi có những cánh chim hải âu, có núi, có san hô, có hải đăng, có tàu thuyền, và có... hải sản... Nhắc đến Trường Sa còn là nhắc đến tổ quốc, là Việt Nam, là hòa bình, là chủ quyền của đất nước . Nghĩ về Trường Sa còn là nghĩ về các chú bộ đội, nghĩ về các bạn nhỏ ở ngoài đó, vất vả và thiệt thòi hơn chúng ta rất nhiều. Cuộc sống ở Trường Sa lại thiếu thốn và khó khăn.
Một cơ duyên may mắn đối với người cầm bút như Nguyễn Xuân Thủy là anh đã có thời gian được làm “lính Trường Sa”. Chính nơi đây anh đã nhận ra phần lãnh thổ thiêng liêng này không chỉ là một vị trí tiền tiêu của Tổ quốc, xứ sở của bão tố trùng khơi... là còn chứa đựng bao điều kỳ thú. Tình yêu văn chương, vốn sống quân ngũ và kiến thức tu nghiệp của Nguyễn Xuân Thủy đã giúp anh có nhiều trang viết chân thực, sinh động, mang hơi thở cuộc sống và văn phong của thế hệ trẻ
"Tôi kể em nghe chuyện Trường Sa" được NXB Kim Đồng. như một “cẩm nang du lịch” nhỏ dành tặng những thế hệ tương lai của đất nước. ra mắt đúng dịp kỉ niệm 10 năm tác giả Nguyễn Xuân Thủy chia tay Trường Sa Trong tác phẩm của mình, anh đã tự sắm vai người dẫn đường trong hải trình dài gần 1.000km để đưa người đọc đến với vùng biển đảo xa xôi của Tổ Quốc, chỉ trong 90 trang ngắn ngủi nhưng không hề bỏ lỡ điều gì đặc biệt về nơi xa xôi ấy.
"Tôi kể em nghe chuyện Trường Sa" được chia làm 6 phần chính gồm: Ra đảo – Mùa biển lặng – Mùa biển động – Kì thú biển trời Trường Sa – Thám hiểm đáy biển Trường Sa – Những người giữ đảo. Những mục trong sách như câu chuyện kể không liền mạch nhưng đầy quyến rũ, tác giả muốn đưa chúng ta đến thăm quần đảo đặc biệt của tổ quốc Việt Nam.
Tác giả đồng hành cùng người đọc từ bến cảng cập tàu, cho tới khi bắt đầu hải trình, say sóng, ngắm mây – biển – trời, cá heo nhảy tung tăng và hải âu dài đôi cánh lượn cho tới khi thám hiểm dưới đáy biển Trường Sa với đủ các loại sinh vật kỳ thú.
Ngòi bút ấy cũng khắc sâu vào cái giá phải trả cho thiên nhiên tươi đẹp đó. Không phải là vàng, càng không phải tiền mà là sự hi sinh. Biển nơi đây có thấm vị mặn đắng của lịch sử gìn giữ và xây dựng, của những tuổi thanh xuân nhiều ước mơ bay nhảy chịu nhiều thiếu thốn về cả vật chất và tinh thần.
Từng có 15 năm trong quân ngũ, trong đó 2 năm sống và chiến đấu tại Trường Sa, Nguyễn Xuân Thủy đặc biệt dành tâm huyết cho các tác phẩm của mình về vùng đất này.
Ít có nhà văn nào hiểu được tận tình nơi đầu sóng ngọn gió như Nguyễn Xuân Thủy. Chẳng phải chính anh đang viết về một phần cuộc đời mình?! Song đem cái từng trải đó để kể lại cho các em nhỏ thì lại khác. Cái khó là làm sao để người ta cũng cảm nhận được như mình, nhất là với các tâm hồn nhỏ bé. Nhưng anh đã thành công với lời văn chân thành và mộc mạc, không màu mè, hoa mỹ, không tô vẽ như chính cuộc đời người lính. Đứng ở góc độ chủ quan tôi cho rằng, không chỉ các em nhỏ mà người lớn, những bạn bắt đầu tìm hiểu về Trường Sa đều có thể đọc cuốn sách này để có những kiến thức cơ bản về một phần lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc.
Bạn biết không, mùa này “Biển động”, tác giả “dành cho những người ưa cảm giác mạnh và thích khám phá”. Nhưng khi nghe đến những con sóng bạc đầu, những cơn gió muối có thể “khiến cho những ổ điện bị chập…lá cây bị cháy táp và rụng sạch” thì bạn có dám nghĩ quần đảo bão tố đó đẹp không? Thế mà vẫn có những bông hoa bàng vuông nở giữa đêm và rạng rỡ vào sáng hôm sau, “từng cánh trắng muốt bung nở ra một chùm nhụy tăm dài với đầu phớt tím. Nhiều nhà văn, nhà báo ra Trường Sa đã gọi hoa bàng vuông là “hoa quỳnh biển”, sự sống vẫn tươi vui giữa ngàn trùng mây và sóng.
“Khi mùa giông gió qua đi, mùa biển lặng là một khoảng thời gian đáng nhớ đối với những người ở Trường Sa. Mỗi đảo được mặc một chiếc áo mới màu xanh mỡ màng…Nắng pha lê trong suốt rải đều trong vắt và tinh khiết lên biển đảo. Mặt trời tháng tư hiền dịu. Gió cũng chỉ nhè nhẹ đủ lay những lộc non mới nhú và rập rờn đuôi mũ hải quân của các chú bộ đội…”.
Bạn có thể tưởng tượng mình đang ngắm hoàng hôn trên Trường Sa những ngày biển lặng. Không phải ở nơi đâu trên đất nước mình cũng có thể ngắm hoàng hôn trên biển, đây gần như là “đặc sản Trường Sa”. “Thứ ánh vàng trải trên mặt nước xanh sậm, đậm đà hơn ánh vàng trong suốt và thanh khiết của bình minh. Mặt biển bao la nhuộm một màu vàng suộm, sánh vàng như mật”. Trong cái thanh bình đẹp đẽ đó, “ngồi ngắm hoàng hôn xuống, các chú bộ đội đã rất nhớ bố mẹ, người yêu, bạn bè nơi đất liền”...
Tôi hy vọng rằng cuốn sách "Tôi kể em nghe chuyện Trường Sa" sẽ mang lại cho quí thầy cô và các bạn học sinh chúng ta hiểu rõ cuộc sống của bộ đội nơi hải đảo, nhận thức trách nhiệm của mình trong việc bảo vệ vùng biển đảo thiêng liêng của tổ quốc, những hình ảnh về người chiến sĩ ngày đêm canh giữ biển trời, tập luyện, sẵn sàng chiến đấu dù điều kiện thiên nhiên khắc nghiệt ngày đêm bám biển và càng yêu quý cuộc sống hòa bình.