Kính thưa quý thầy cô giáo cùng toàn thể các con học sinh thân mến!
Hôm nay cô xin giới thiệu với các thầy cô giáo vào các con học sinh cuốn sách “Ký ức chiến tranh” tác giả Vương Khả Sơn do nhà xuất bản Thanh niên ấn hành năm 2007, khổ sách 14,5 x20cm cuốn sách dày 260 trang. Cuốn sách kể về cuộc chiến tranh khốc liệt để giải phóng miền Nam.
Từ thời khắc lịch sử 30/4/1975 đến nay, đã có một thế hệ như thế. Lớp người ấy khả dĩ đã làm nên những điều kỳ diệu, nhằm góp phần thay đổi bộ mặt đất nước trong thời kỳ mới. Nhưng, với quá khứ thì họ khó có thể có được một cảm nhận tương đối đầy đủ về cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc vĩ đại nhưng vô cùng tàn khốc mà cha ông họ đã phải gánh chịu và đi qua.
Anh về để lại chiến trường
Một phần thân thể máu xương của mình
Bao nhiêu đồng đội hy sinh
Hồn thiêng còn ở anh linh đại ngàn
Chiến tranh đã đi qua, nhưng những mất mát mãi còn đó hằn sâu cùng năm tháng. Để rồi khi nhớ lại những khoảnh khắc của cuộc chiến, những người lính năm xưa lại không khỏi bồi hồi, xao xuyến. Đó là những mảnh kí ức tuyệt đẹp cùng đồng đội chiến đấu nơi chiến trường, đó là những giọt nước mắt trong veo của người lính trẻ khi nhớ nhà, nhớ người yêu và có cả những nỗi đau khi phải chứng chiến sự ra đi của đồng đội… Hồi ức ấy, kỉ niệm ấy đã được nhà giáo - cựu chiến binh Vương Khả Sơn tái hiện vẹn nguyên trong cuốn hồi ký: “Kí ức chiến tranh”.
Cuốn sách được chia làm 4 phần:
Phần I: Nhập ngũ.
Phần II: Về trung đoàn
Phần III: Xẻ dọc Trường Sơn.
Phần IV: Vào trận.
Cuốn hồi ký dài 260 trang, kể về những kỷ niệm của người lính trẻ Vương Khả Sơn từ lúc lên đường nhập ngũ năm 1971 (khi chưa tròn 18 tuổi) cho đến đất nước hoàn toàn thống nhất 30-4-1975. Trong quãng thời gian 4 năm của cuộc chiến, với một không gian rộng lớn trải dài từ Quảng Bình khói lửa đến bước chân vượt Trường Sơn sang đất bạn Lào-Campuchia rồi vòng về miền Nam, tác giả hồi ức lại những ngày tháng khốc liệt của cuộc chiến bằng những tình tiết, tình huống, trận đánh, sự kiện hết sức sinh động, như dẫn dắt độc giả ngược về quá khứ, hòa mình vào cuộc chiến để cảm nhận không khí sục sôi của kháng chiến và phần nào thấu hiểu, cảm nhận được những hiểm nguy, vất vả hy sinh mà những người lính ngày ngày đối mặt.
Những trang viết vô cùng thuyết phục người đọc ở tính chân thật của sự kiện, ở sức lôi cuốn với cảm xúc mạnh, trong tâm thức của một người trong cuộc. Đó là những trang viết máu thịt của cuộc đời anh. “Ký ức Chiến tranh” là một bức tranh sinh động phản ánh một phần của cuộc kháng chiến đầy hy sinh, mất mát mà cả dân tộc ta đã gánh chịu và đi qua. Trong đó, chân dung của người lính được khắc hoạ đậm nét nhất. Cả một thế hệ thanh niên Việt Nam thời ấy đều có chung một lý tưởng cao đẹp, một tấm lòng nồng nàn yêu nước, cùng một quyết tâm ra trận “quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh” để giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc.
Tất cả được tái hiện rõ rệt như một cuốn phim tài liệu trong đó cận cảnh và rõ nét nhất vẫn là những trận mưa bom bão đạn của kẻ thù và những gương mặt đồng đội với sự hy sinh vô cùng anh dũng. Bằng ý chí, nghị lực phi thường, họ đã vượt qua tất cả để làm nên chiến thắng vẻ vang của dân tộc.
Từ buổi con lên đường, xa mẹ
Theo anh em sang Lào, rối dấn bước vào Trung
Non cao, núi biếc chập chùng
Sớm nắng biển, chiều mưa nguồn gian khổ…
Tuổi thanh xuân, cuộc đời như hoa nở
Vì hòa bình, đâu ngại bước gian nguy
Mấy tháng trời, đêm nghỉ, ngày đi
Giày bệt gót, áo sờn vai, thấm lạnh
Chiều Trường Sơn núi rừng cô quạnh
Mẹ hiền ơi, con chợt nhớ quê nhà.
Khói lam chiều, giàn mướp lá lên xanh
Con bướm nhỏ, mái đình xưa, ôi nhớ quá!...
Quả thật, những vẫn thơ đó, tự thân nó có sức ám ảnh ghê ghớm. Nếu không vững ý chí và niềm tin có người sẽ”chùng chân, mỏi gối”.
Bằng hồi ức và lối dẫn chuyện tự nhiên, chân thực, dí dỏm pha chút lãng mạn; với ngôn ngữ giản dị, trong sáng, kết cấu khá logic, chặt chẽ, cuốn hồi ký đã tác động mạnh ngay từ những trang viết đầu tiên và cuốn hút người đọc đến những dòng cuối cùng.
Khi đọc "Ký ức Chiến tranh" của Vương Khả Sơn, bạn đọc có thể sẽ "tìm thấy bóng dáng mình hoặc của cha anh mình một thời máu lửa, để có thể sống tốt hơn với quá khứ vẻ vang ấy" như anh đã viết trong lời tựa của cuốn sách.
Tôi muốn viết những vần thơ tươi xanh
Vẫn nóng viết những dòng thơ lửa cháy!
Chiến tranh đã lùi xa, giờ đây đất nước ta đang từng ngày thay da, đổi thịt. Song những gì thuộc về miền nhớ của lịch sử hào hùng vĩ đại sẽ mãi mãi bất tử. “Ký ức chiến tranh” của Vương Khả sơn là một tư liệu quý giá chứa đựng những giá trị lịch sử của một dân tộc - xứng đáng là một cuốn sách tôn vinh lịch sử.
Buổi giới thiệu sách của chúng ta đến đây kết thúc kính chúc thầy cô giáo và các con có một tuần làm việc đạt kết quả tốt.Xin chân thành cảm ơn các thầy cô giáo và các con học sinh.