Các em học sinh thân mến!
Hằng năm có khoảng 50% tổng số vụ cháy xảy ra tại các hộ gia đình. Trong đó, các vụ cháy xảy ra ở các hộ gia đình có kiểu nhà ống, nhà kín có một lối thoát nạn duy nhất là cửa chính nơi mặt tiền, gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản. Thực tế cho thấy, trong các vụ cháy, người chết chủ yếu là do ngạt khói khí độc trước khi chết cháy. Nguyên nhân gây cháy chủ yếu là do con người, do sơ suất bất cẩn trong việc sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt (đun nấu, thắp hương thờ cúng, đốt vàng mã…), chất dễ cháy (xăng dầu, gas, cồn, hóa chất…), sử dụng điện (hệ thống điện, thiết bị điện) không an toàn… Nhằm giúp học sinh có kiến thức, kĩ năng về phòng cháy, chữa cháy, thoát hiểm, thoát nạn và hỗ trợ cứu người khi xảy ra hỏa hoạn, qua đó góp phần hạn chế rủi ro khi gặp các tình huống nguy hiểm. Cuốn sách dày 400 trang do nhà xuất bản Thanh Niên ấn hành năm 2020 do tác giả Lê Hồng Minh biên soạn.
Để đảm bảo an toàn PCCC trong các hộ gia đình, chủ hộ và các thành viên cần trang bị các kỹ năng PCCC sau:
- Chủ động học tập, tìm hiểu để có kiến thức và kỹ năng cơ bản về an toàn PCCC trong gia đình.
- Quản lý chặt chẽ nguồn lửa, nguồn nhiệt: Khi đun nấu, thắp hương thờ cúng…, sử dụng các thiết bị đốt nóng, sửa chữa, thi công… (gây phát sinh nguồn lửa, nguồn nhiệt) phải có người trông coi.
- Không buôn bán, tàng trữ trái phép các chất dễ cháy, nổ; sử dụng an toàn các chất dễ cháy trong đời sống sinh hoạt hàng ngày, hạn chế khối lượng chất dễ cháy như xăng dầu, gas trong gia đình.
- Sắp xếp đồ dùng, hàng hóa, vật liệu dễ cháy ngăn nắp, gọn gàng, cách xa nơi phát sinh nguồn lửa, nguồn nhiệt (tủ điện, ổ cắm điện…) ít nhất 0,5m.
- Hệ thống điện phải có thiết bị bảo vệ chống quá tải, chập mạch; không cắm nhiều thiết bị tiêu thụ điện vào một ổ cắm; tắt các thiết bị điện khi không cần thiết, khi đi ngủ hoặc khi ra khỏi nhà…
- Mỗi gia đình nên đầu tư lắp đặt các thiết báo cháy, báo rò rỉ gas…, chuẩn bị sẵn sàng phương tiện chữa cháy tại chỗ như: Nước, chăn, bình chữa cháy xách tay… để dập tắt cháy ngay từ khi mới phát sinh.
- Mỗi hộ gia đình hãy chủ động chuẩn bị phương án thoát nạn khi có cháy xảy ra (dự kiến lối thoát thứ 2, thứ 3… ngoài cửa chính, phương tiện phá dỡ mái che, phá khóa, phá cửa…mở lối thoát); mặt nạ phòng độc, chăn, mền, khăn bông… để che chắn mặt, cơ thể… khi phải thoát qua các vùng, khu vực có khói lửa bao trùm.
Để đảm bảo an toàn tính mạng về người khi có cháy xảy ra ở hộ gia đình thì các hộ gia đình, chủ hộ và các thành viên cần trang bị các kỹ năng thoát nạn sau:
- Thật bình tĩnh suy xét, hô hoán báo động cho tất cả các thành viên trong gia đình biết để mau chóng di chuyển ra ngoài, ra nơi an toàn qua cửa chính hoặc cửa phụ.
- Trong quá trình thoát hiểm ở vùng có nhiều khói, hãy dùng khăn, vải thấm nước che kín miệng, mũi và cúi thật thấp người để tránh nguy cơ bị ngạt khói, men theo tường và di chuyển đến lối thoát nạn an toàn.
- Trường hợp lối cửa chính đã bị lửa, khói bao trùm hãy nhanh chóng tìm và mở lối thoát khác: Qua ban công, cửa sổ sang nhà bên cạnh hoặc thoát xuống mặt đất bằng thang, thang dây… hoặc trổ lối thoát lên mái nếu là mái nhà kết cấu bằng các loại tấm lợp…; tuyệt đối không núp trong phòng, nhà vệ sinh… Trường hợp không còn lối thoát nào khác hãy dùng chăn thấm ướt, trùm kín người, cố gắng thoát qua đám cháy một cách nhanh nhất có thể.
- Trường hợp lối và đường thoát nạn bị nhiễm khói, lửa mà không thể thoát ra ngoài theo lối cầu thang bộ ra cửa chính, nhanh chóng sử dụng khăn vải, băng dính chèn và gián vào khe cửa để khói, khí độc không lan được vào phòng đang ở, đi chuyển ra ban công, gọi to, ra hiệu, sử dụng những vật dụng để báo động cho những người xung quanh được biết, đồng thời gọi điện báo cho lực lượng cảnh sát PCCC qua số 114. Lưu ý thông tin chính xác cho lực lượng chức năng số lượng người bị nạn, tình trạng người bị nạn và vị trí người bị nạn./.